So Sánh Hyper-V và ESXi Trong Môi Trường Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ

Khái niệm ảo hóa (virtualization) mặc dù đã được đề cập từ lâu nhưng gần đây chúng tôi mới có điều kiện triển khai trên thực tế với các tính năng tiên tiến như High Availability (HA), P2V…Trước đây, ngoài việc triển khai tại công ty để sử dụng trong công việc hàng ngày, chúng tôi mới chỉ triển khai cho một số ít khách hàng trong các hợp đồng bảo trì kèm thuê máy chủ nhưng cũng chỉ ở qui mô nhỏ (1-2 hosts).

 ​

Có thể nhận xét rằng các doanh nghiệp lớn được lợi nhiều hơn khi sử dụng ảo hóa vì họ có thể tiết kiệm nhờ việc giảm chi phí mua sắm phần cứng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa với số lượng máy chủ ít do gặp thêm rào cản chi phí cho giải pháp ảo hóa nên không đem lại nhiều lợi ích. Đấy là chưa kể đến các chi phí cho phần mềm chạy trên máy ảo (guest OS) và chi phí bảo trì.

Hầu hết các khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa đều chọn sử dụng Windows Small Business Server và chạy mọi ứng dụng trên đó. Việc quản trị không quá phức tạp và chi phí cho phần mềm cũng như phần cứng thấp. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng một ứng dụng kinh doanh quan trọng (ví dụ ERP), họ sẽ triển khai trên một máy chủ riêng. Với sự ra đời của Windows Small Business Server 2008 Premium tích hợp tính năng Hyper-V, áp dụng ảo hóa đã trở nên khả thi hơn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng liệu đây có phải là giải pháp tối ưu nhất. Chúng ta cũng cần xem xét thêm một số giải pháp ảo hóa khác của các hãng khác như VMWare và Citrix.

Microsoft, VMware và Citrix hiện nay đều cung cấp các phiên bản server core miễn phí với một vài giới hạn nhất định. Ngoại trừ Citrix chủ yếu hướng đến khách hàng là doanh nghiệp vừa và lớn, chủ đề của bài viết này tập trung vào việc so sánh xem sản phẩm nào VMware ESXi và Microsoft Hyper-V phù hợp hơn với doanh nghiệp nhỏ và vừa và lý do tại sao? Trong một bài viết khác, chúng tôi sẽ so sánh chi tiết tính năng giữa phiên bản miễn phí và trả phí giữa các sản phẩm của từng loại.

VMware ESXi

ESXi Installable phiên bản miễn phí (từ đây gọi tắt là ESXi) chỉ hỗ trợ các hệ thống được chứng nhận danh sách tại đây. Mặc dù bạn có thể tự xây dựng một hệ thống không nằm trong danh sách được hỗ trợ, sẽ có nhiều rủi ro khi sử dụng trong thực tế. Sử dụng một hệ thống được chứng nhận là một điều rẩt quan trọng ngay cả với doanh nhiệp nhỏ và vừa.

VMware ESXi hỗ trợ rất nhiều hệ điều hành máy khách (guest OS). Đây cũng là một ưu thế của VMware so với Microsoft Hyper-V. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chỉ sử dụng một loại hệ điều hành. Ngoài ra, VMware còn cung cấp các bộ cài đặt được cấu hình trước (preconfigured appliances) giúp người dùng cài đặt một số ứng dụng cụ thể dễ dàng hơn.

Một ưu điểm (tuy không lớn) của ESXi so với Hyper-V là kích thước. ESXi chỉ chiếm khoảng 70Mb trong Hyper-V yêu cầu 2Gb đối với bản server core và 10Gb đối với bản cài đặt đầy đủ. Ngoài ra thời gian cài đặt các hệ điều hành máy khách (guest OS) trên ESXi nhanh hơn so với Hyper-V. Tốc độ thực hiện tác vụ vào ra (IOP) của VMware khá cao 100,000 IOPs khi thử nghiệm với ESX 3.5 Update 1 (chi tiết xem tại đây). Mặc dù cũng có một kết quả khác do Qlogic tiến hành cho thấy IOPs của Hyper-V cao hơn 180,000 IOPs (xem file đính kèm tại đây) nhưng đây là thử nghiệm với hệ thống lưu trữ thể rắn (solid state storage) nên kết quả so sánh có thể không chính xác.

ESXi có thể được quản trị thông qua công cụ VMware Client. Tuy ESXi không hạn chế việc sử dụng, nhưng các tính năng quản trị bị hạn chế (không thể giám sát qua SNMP, không sử dụng được script RCLI,…). Nếu muốn sử dụng chúng, bạn phải nâng cấp lên phiên bản trả phí.

VMware vCenter Server (tên cũ là Virtual Center) là một thành phần của bộ công cụ vSphere có giá tương đối cao. Phiên bản VMware vSphere Essentials Kit có giá từ $495 đến $3495 (hỗ trợ high availability) chưa kể phí hỗ trợ (từ $116-$847 cho 12 tháng).

Ngoài ra VMware còn có các tính năng tiên tiến như Vmotion, HA, Vmotion, DRS và một số tính năng khác không được đưa vào so sánh vì Hyper-V chưa có hoặc không có tính năng tương tự. Các tính năng này đều phải trả phí tương đối cao và không phù hợp lắm với ngân sách của các doanh ngiệp nhỏ và vừa. VMware cung cấp một bản so sánh các tính năng sản phẩm của mình với Hyper-V và Citrix tại đây.

Microsoft Hyper-V

Hyper-V chỉ làm việc với phiên bản 64 bit của Windows Server 2008 Standard, Enterprise, Datacenter do đó doanh nghiệp sẽ phải nâng cấp nếu máy chủ thế hệ cũ hoặc đang dùng Windows Server 2000/2003. Trong phiên bản Small Business Server 2008 có một giấy phép Hyper-V của Windows Server 2008 Standard giúp cho doanh nghiệp có thể bắt đầu triển khai ảo hóa (hỗ trợ tối đa 32GB RAM và 1 máy ảo mà không cần mua thêm giấy phép).

Hyper-V có thể chạy trên nhiều loại phần cứng, như được mô tả trong Windows Server Catalog. Nó cũng mềm dẻo hơn khi cấu hình thiết bị lưu trữ và hỗ trợ nhiều thiết bị điều khiển đĩa (disk controller) hơn ESXi. Hyper-V có thể được cài đặt tự động hóa thông qua WMI và mặc dù không hỗ trợ trực tiếp PowerShell, bạn vẫn có thể sử dụng PowerShell của WMI.

Bạn có thể triển khai Hyper-V trên Windows Server Core, biến nó thành một máy chủ chuyên dùng cho VM. Khi đó, bạn sẽ quản trị thông qua một công cụ Hyper-V management tools trên một máy khác chạy Windows Server 2008 hoặc Vista/Win 7. Đây cũng là cách triển khai được Microsoft khuyến nghị sử dụng.

Một cách khác (dù không được Microsoft khuyến khích) là cài đặt Hyper-V như là một Server Role trên một hệ thống sử dụng Windows Server 2008 cài đặt đầy đủ sử dụng với một vài Server Role. Khi đó bạn sẽ đăng nhập bằng RDP và quản trị các VM trực tiếp trên máy chủ cũng bằng công cụ Hyper-V management tools như trường hợp trên. Một ví dụ ưu điểm của cách triển khai này là khi bạn đã cài đặt Windows Server 2008 Standard như là SQL Server rồi sau đó cài đặt Hyper-V. Việc cài đặt được thực hiện khá đơn giản chỉ cần khởi động lại là hoàn tất. Tuy không được khuyến khích, việc này giúp dễ dàng mở rộng tính năng mà không phải cài đặt lại máy phù hợp với một thực tế là doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn triển khai nhiều ứng dụng với số lượng thiết bị tối thiểu.

Công cụ quản trị System Center Virtual Machine Manager cho phép quản trị Hyper-V tập trung có giá không rẻ, từ $505 cho phiên bản Virtual Machine Manager 2008 R2 Workgroup và $869 cho phiên bản Virtual Machine Manager 2008 R2 Server ML Enterprise (chưa kể chi phí license cho client). Xem thêm tại đây. Do vậy, đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần cân nhắc khi quyết định chọn Hyper-V.

Microsoft cũng cung cấp một bảng so sánh tính năng giữa Hyper-V và VMware tại đây.

Nhận xét

Cả VMware và Hyper-V đều cung cấp phiên bản server core miễn phí. Nếu người dùng yêu cầu thêm các tính năng quản trị thì ở qui mô số lượng host nhỏ , Hyper-V có lợi thế hơn xét trên góc độ chi phí/tính năng. Đối với các hệ thống lớn, VMware có nhiều ưu điểm hơn Hyper-V xét về góc độ tính năng tuy nhiển lại không thuộc phạm vi so sánh của bài viết này.

Hyper-V hỗ trợ nhiều phần cứng hơn, mềm dẻo hơn khi triển khai (Hyper-V Server Role). Do đó, ở góc độ các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhu cầu tối thiểu chi phí IT hơn là triển khai theo cấu hình được khuyến nghị, Hyper-V là lựa chọn tốt hơn. Chúng tôi đã triển khai Hyper-V Server Role trên một hệ thống đã cài đăt một vài Server Role khác và thấy chúng chạy cùng nhau không hề có trục trặc.